img...

Chương 26: thọ đường

Chương 26

*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

Chuyển ngữ: Alex Quiao

Biên tập: Tiểu Sên

91874cdfa023d935fa91635d24cd328c

Chu thị sững sờ.

Bấy giờ khi cưới gả, tuổi của nam nhân đa số từ mười bốn mười lăm đến mười tám, mười chín; nữ nhân thì mười ba mười bốn đến mười sáu mười bảy, như Trịnh Sở Ngọc đã mười tám, mười chín tuổi còn chưa xuất giá, trừ phi có nguyên nhân khác, hoặc do nhà nghèo không lo nổi nữ trang làm của hồi môn, nếu không thì đúng là rất hiếm.

Chu thị còn trẻ đã mất đi trượng phu và trưởng tử, dưới gối chỉ còn lại Ngụy Thiệu, không khỏi dồn tất cả mọi thứ vào nhi tử độc nhất này. Tuy một lòng muốn nhi tử lấy nữ nhi bên nhà ngoại, nhưng xuất thân của Trịnh nữ không môn đăng hộ đối, biết Từ phu nhân sẽ không cho phép, bà đành lùi một bước, chỉ hy vọng nhi tử nạp nàng làm thiếp, như như vậy không chỉ thân càng thêm thân, mà bà cũng có thể giữ được nữ nhi nhà ngoại ở bên người.

Nào ngờ tuổi Trịnh nữ ngày càng lớn mà chuyện này vẫn chưa tiến triển được gì, một hai năm nay bà bắt đầu lo, không khỏi riết róng thúc giục Ngụy Thiệu. Nào ngờ hắn nửa phân cũng không nhượng bộ, tối ngày đầu tiên sau khi trở về đã làm ra chuyện như vậy, khiến bà ta mất sạch mặt mũi trước mặt mọi người.

Thế nhưng bà không trách con trai làm mình, lại trút hết oán giận lên Kiều nữ. Mấy ngày nay đang khó chịu, sáng nay lại thấy nhi tử và tân nương đến muộn, nghĩ thầm nhất định là do nhi tử bị Kiều nữ kia lấy sắc quyến rũ mê mẩn tâm thần, tham hoan mà dậy muộn, trong lòng càng tức thêm, vừa nãy vẫn đang nghĩ đến điều này, tự nhiên thấy Từ phu nhân bảo mình ở lại, thì ra là lại nhắc tới chuyện này, trong lòng giật mình thấp thỏm, vẻ khó xử lộ ra mặt.

“Sao không nói gì? Là do con không tìm được nhà thích hợp, hay là không lo nổi đồ nữ trang? Nếu con không tiện ta sẽ tìm người lo, nữ trang cũng lấy ở chỗ ta.”

Đang lúc Chu thị không nói nên lời thì Từ phu nhân không nhanh không chậm nói một câu như vậy, bèn ngước mắt lên đối diện ánh mắt của bà. Thấy con mắt duy nhất của bà bà đang nhìn mình chằm chằm, trong lòng thấy chột dạ, cười gượng: “Không phải vậy đâu! Chắc bà mẫu cũng biết, suốt hai năm nay, hạ nhân trong nhà đều nghĩ Sở Ngọc là người của Trọng Lân, lúc này nếu gả nó đi, e rằng không ổn…”

Từ phu nhân nói: “Hạ nhân ngu dốt, con là chủ mẫu Ngụy gia không để ý dạy bảo chúng thì thôi, sao lại để hạ nhân dắt mũi? Chúng ta là nhà danh giá, cho dù nạp thiếp cũng phải có lễ nghi đàng hoàng. Thứ nhất không có lễ nghi, thứ hai là không có danh phận, Trịnh Nữ thành người của Trọng Lân khi nào?”

Chu thị không dám nhìn thẳng Từ phu nhân, chỉ giải thích: “Có điểm này bà mẫu chưa biết, con đã nói chuyện này với Trọng Lân rồi, Trọng Lân cũng chưa nói là chuyện này không thể, có điều trước đây nó đều ở bên ngoài, bây giờ mới vừa nhà lại mới cưới chính thê, nếu đưa ngay việc này ra bàn bạc thì cũng không ổn. Thực ra con muốn chờ thêm một thời gian nữa rồi lo liệu chuyện này.”

Từ phu nhân hừ một tiếng: “Sao ta lại nghe nói, tối ngày đầu tiên Trọng Lân về, có bà vú nào đứng ở góc tường tây phòng nghe lén, làm Trọng Lân nổi giận chém hỏng cả cánh cửa? Bà ta là cái gì mà dám to gan như vậy? Ta lớn tuổi rồi, cũng lười dạy dỗ hạ nhân, chuyện trong nhà bên này đều giao cho con, con lại quản giáo hạ nhân như vậy sao?”

Chu thị thẹn đến mất mặt, không ngờ Từ phu nhân cũng biết chuyện này, không dám lên tiếng nữa, cúi gằm xuống.

“Mấy năm nay con cũng vất vả, ta đều thấy hết.”

Từ phu nhân dịu giọng “Con giữ Trịnh nữ trong nhà cũng chỉ vì thương yêu nó. Nhưng thương thì thương, nếu cứ hồ đồ mãi như vậy chỉ làm trễ nải đời con gái người ta thôi, sáng nay bảo con ở lại cũng không có ý tứ gì khác, chỉ muốn nhắc nhở một câu.”

Chu thị khấu đầu, nước mắt rưng rưng: “Tức phụ biết ơn lòng tốt của bà mẫu. Trở về xin theo bà mẫu dặn dò, tìm một nhà thích hợp cho Sở Ngọc, không dám trễ nải.”

Từ phu nhân cười, gật đầu: “Con có thể nghĩ như vậy, ta an tâm rồi. Không có chuyện gì nữa, con có thể đi.”

Chu thị lấy khăn lau nước mắt, cung kính cáo lui, quay về bên đông phòng, cho hạ nhân lui ra ngoài, kể lại cho Trịnh Sở Ngọc nghe chuyện vừa rồi bị Từ phu nhân nhắc nhở.

Trịnh Sở Ngọc sửng sốt, dần dần hai hốc mắt đỏ ửng, cúi người trên giường khóc: “Di mẫu một lòng yêu thương Sở Ngọc, Sở Ngọc không thể báo đáp, hay là cứ để cho con rời đi luôn cho thỏa đáng, cứ ở lại đây sẽ làm di mẫu thêm khó xử!”

Chu thị vẫn luôn thương yêu cháu gái bên ngoại, đã giữ nàng bên người bầu bạn nhiều năm, coi như con ruột, huống chi nàng hết lòng tin lời của bà mo, đã xác định Trịnh Nữ là quý nhân của mình, thấy Trịnh Nữ khóc thảm thương như vậy, bà đau lòng, vội vàng nắm tay nàng ta an ủi: “Con đừng thương tâm. Vừa rồi ở chỗ lão phu nhân ta chỉ giả vờ đồng ý thôi, lòng ta sớm coi con là người của Trọng Lân, sao nỡ để con xuất giá?”

Trịnh Sở Ngọc nức nở: “Sở Ngọc vô dụng, ở lại Ngụy gia như vậy, địa vị không rõ, phí hoài năm tháng, nhưng những điều đó đều không sao, cho dù cả đời không ai cần con cũng cam tâm tình nguyện hầu hạ bên người di mẫu. Thế nhưng hôm nay lão phu nhân không tha cho con, sao con nỡ để di mẫu khó xử? Hay là di mẫu tìm nhà nào gả con đi, buôn bán hay tôi tớ, con cũng bằng lòng…”

“Nói bậy! Sao di mẫu nỡ vậy!”

Chu thị vội vàng ngăn cản, ôm Trịnh Sở Ngọc vào lòng an ủi: “Con cứ yên tâm, ta sẽ tìm lý do thích hợp để đối phó với lão phu nhân bên kia để kéo dài thời gian, chắc bà ấy cũng không làm khó ngay đâu. Còn bên Trọng Lân, di mẫu sẽ tìm biện pháp để đẩy nhanh chuyện này. Chắc chắn sẽ không gả con ra ngoài đâu.”

Trịnh Sở Ngọc xuất thân không cao, mười tuổi lại trở thành cô nhi, bên nội không có ai để dựa vào, may mà có dì ruột Chu thị là chủ mẫu Ngụy gia che chở, sau lại được nhận vào Ngụy gia, cẩm y ngọc thực, ra vào có người hầu hạ, tiền hô hậu ủng, cần kiệm trở thành xa hoa thì dễ, từ xa hoa quay về cần kiệm thì rất khó, Ngụy Thiệu lại là bậc nam nhi anh hào, phong độ tiêu sái, trái tim nàng đã sớm trao cho hắn, làm gì có chuyện bỏ cuộc giữa chừng? Chu thị cố ý ướm gả nàng cho con trai của bà ta, lại rất hợp với tâm ý nàng.

Thật ra thì từ đầu, nàng ta cũng không hề tơ tưởng gả cho Ngụy Thiệu làm chính thê. Tự biết thân phận không hợp, để tăng thêm sức giá trị bản thân, nàng ta thấy Chu thị hết lòng tin vào bà mo, bà ta nói gì đều tin theo, nàng âm thầm hối lộ rất nhiều tiền cho bà mo, nhờ bà ta nói tốt cho mình trước mặt Chu thị. Bà mo có tiền, đương nhiên là làm việc cho nàng ta, thế là nàng ta trở thành quý nhân của Chu thị, từ đó Chu thị càng coi trọng nàng hơn.

Đáng tiếc là Chu thị cũng không có địa vị quan trọng ở Ngụy Gia. Trên đầu chẳng những bị Từ phu nhân áp chế, ngay cả Ngụy Thiệu cũng không nghe lời bà. Trịnh Sở Ngọc biết gả cho Ngụy Thiệu là chuyện xa vời, chi bằng lùi một bước, chấp nhận làm thiếp cũng không tệ. Thấm thoát vài năm trôi qua, nàng đã bỏ phí thời gian đến tận mười tám tuổi, đừng nói tới việc kia, hai năm trở lại đây, Ngụy Thiệu đến liếc nàng một cái cũng chưa từng. Trong lòng nàng lo lắng bất an, cũng may Ngụy Thiệu vẫn chưa thành thân, bên người cũng không có nữ nhân khác, nàng cũng chỉ ôm nỗi lòng ngày ngày mong đợi.

Đến năm ngoái biết tin Ngụy Thiệu cưới kiều nữ Duyện Châu làm thê tử, Từ phu nhân còn phái Chung bà bà qua đây quản lý. Lúc vừa nghe tin, lòng Trịnh Sở Ngọc như bị mèo cào, sau đó suy nghĩ, hai nhà Ngụy Kiều có thù oán, Ngụy Thiệu cưới Kiều nữ chắc hẳn có dụng ý gì khác, Kiều nữ được gả tới đây, cuộc sống sau này cũng chẳng dễ dàng gì đâu, Ngụy Thiệu lại càng không biết cách đối đãi thật lòng với thê tử, vả lại sớm muộn gì hắn cũng thành hôn, mình cũng không mong có thể làm chính thê của hắn, hắn lấy một người như vậy, thật ra với nàng lại là chuyện tốt.

Trước đây mặc dù Chu thị rất thương yêu nàng, nhưng vừa ra khỏi đông phòng của Chu thị, thì những người khác ở Ngụy gia chẳng ai đối xử với nàng như là chủ nhân chính thức. Ngay cả lũ hạ nhân đôi khi cũng dám lén lút nói nàng muốn trèo cao, kết quả phí hoài thời gian thành gái lỡ thì. Trong lòng nàng không phải là không oán hận. Nhưng nghĩ tới Kiều nữ gả lại đây cũng bị ghẻ lạnh, nếu so ra thì chuyện của nàng chẳng có gì đáng hổ thẹn cả. Nghĩ vậy, trong lòng nàng ta không chỉ thoải mái hơn, mà cũng mong Kiều nữ sớm gả tới đây một chút.

Hôm đó, biết Ngụy Thiệu đưa Kiều nữ về nhà, nàng theo Chu thị đi câu cá về, trong lòng biết di mẫu mình sẽ chẳng chào đón Kiều nữ kia, vốn định xem một màn tấu hài, nhưng không ngờ Kiều nữ kia xinh đẹp như tiên nữ, khí chất như hoa lan. Trịnh Sở Ngọc luôn nghĩ mình xinh đẹp, nhưng so với nàng thì như cái bóng mờ cạnh vầng sáng, lại thấy nàng sóng vai đứng cùng Ngụy Thiệu như đôi bích nhân trời sinh, khi ấy nàng ta chết sững.

Lại sau đó, Ngụy Thiệu không nghe lời Chu thị nạp mình làm thiếp, mà bà vú già di mẫu phái đi theo dõi bị Ngụy Thiệu phát hiện, lúc ấy tuy bị giật mình không nhỏ, nhưng theo lời kể của bà ta, thì Ngụy Thiệu đã chung chăn gối với Kiều nữ đó.

Trịnh Sở Ngọc thất vọng, mấy ngày nay buồn bã không ngớt, luôn âm thầm lưu ý động tĩnh bên tây phòng, mong tin Ngụy Thiệu lạnh nhạt với Kiều nữ, vậy mà sáng nay hai người bọn họ còn tới muộn, mập mà mập mờ, Từ phu nhân luôn lạnh nhạt với mình lại bao dung với Kiều nữ, Trịnh Sở Ngọc thấy vừa đố kỵ vừa hận, tâm loạn như ma, vừa rồi Chu thị nói thế, nàng ta khóc đến thương tâm như vậy cũng không phải là giả tạo.

Cũng may là thái độ của di mẫu rất kiên quyết, Trịnh Sở Ngọc tựa vào ngực di mẫu nghe bà an ủi, lòng nàng mới dịu xuống, rơi lệ nói: “Việc đã đến nước này, chẳng lẽ di mẫu còn có cách gì giữ con lại sao?”

Chu thị chần chờ một chút lại nói: “Tự mình thì không thể, để di mẫu đi lên núi tìm bà mo xem một quẻ, rồi tính xem sẽ làm gì.”

Ba ngày sau, lễ mừng thọ của Từ phu nhân đến.

Với địa vị Ngụy gia ở phương bắc, vào dịp mừng thọ của Từ phu nhân, không chỉ rất nhiều quan to quý nhân ở U Châu mang thiệp mừng đến cửa cầu vinh, mà Thái thú vùng Bột Hải kế cận cũng không ngại đường xa, tự mình đến Ngư Dương chúc thọ, còn những người không thể đến nên sai người dâng lễ nhiều vô số kể. Từ phu nhân xuất thân từ Trung Sơn quốc, Trung Sơn vương hiện nay – Lưu Đoan cũng là cháu họ xa của bà, tuy không đích thân tới nhưng cũng phái sứ giả tới chúc thọ. Hôm đó cũng có rất nhiều người dân đến trước cửa Ngụy gia, cách một cánh cửa quỳ lạy chúc thọ Từ phu nhân. Từ phu nhân biết được vô cùng cảm động, dẫn theo Ngụy Thiệu, Ngụy Nghiễm đích thân ra ngoài cửa đáp lễ dân chúng. Phô trương không kể hết.

Lễ vật chúc thọ của Tiểu Kiều là sách kinh vô lượng thọ bằng vải lụa trắng chép tay, Từ phu nhân vừa nhìn thấy đã rất thích.

Thời đó đã có giấy nhưng còn thô, dùng không được lâu, thư tịch bấy giờ chủ yếu vẫn dùng lụa trắng hoặc thẻ tre để viết. Sách bằng thẻ tre thì thô kệch, một bản kinh vô lượng thọ thì phải cần một chiếc xe trâu kéo mới mang được hết. Sách lụa nhẹ, lại quý, không nói đến chất liệu, lúc sao chép càng không thể có một chút sai sót nào, sai một chữ thì cả tấm lụa đó bị bỏ đi, tốn rất nhiều công sức.

Tiểu Kiều trình cuốn kinh vô lượng thọ quý giá kia lên, trang trí thanh nhã, kiểu chữ bay bướm, kinh thư lại là thứ Từ phu nhân yêu thích, lại biết nàng tự tay chép kinh, bà cố ý chuyển cho người ngồi cạnh xem. Trong đám khách có Cao Hằng từ Bột Hải tới, là một người nổi tiếng về thư họa, đi theo Thái thú Bột Hải tới chúc thọ Từ phu nhân, thấy chữ trên sách lụa, có vẻ rất tâm đắc, khen nét chữ trang nhã, ngay ngắn thẳng hàng, cao quý sang trọng.

Cao Hằng là bậc thầy về thư pháp, chuyên làm sách, tạc ngọc, thông thạo đàn sáo, có mỹ danh là “đệ nhất Bột Hải”. Nếu hắn ca ngợi như thế, những người còn lại tự nhiên cũng sẽ không tiếc lời tâng bốc. Từ phu nhân rất cao hứng, sau khi thu hồi về lại tự tay đưa cho Chung bà bà, sai cất cẩn thận.

Trưa hôm đó Ngụy gia thiết yến ở tiền đường, khách khứa như mây. Vừa hay trong gia tộc nhà họ Ngụy có một người mà Ngụy Thiệu gọi bằng chú họ, mười năm trước đi theo Ngụy Quyển tấn công Lý Túc, vì mở đường máu cứu ấu chủ nên bị trúng mấy đao, bị thương nặng không qua khỏi, để lại cô nhi quả phụ, được Từ phu nhân quan tâm chăm sóc. Bây giờ đứa bé kia đã lớn, cùng tuổi với Ngụy Thiệu, đã thành gia lập nghiệp, năm trước mới sinh con trai, vừa vặn trùng ngày sinh nhật với Từ phu nhân, hôm nay tròn một tuổi.

Từ phu nhân do yêu mến, cũng muốn cho đứa bé kia chút thể diện, hai ngày trước gọi Trương thị là tổ mẫu của nó đến, bảo tổ chức sinh nhật đầy năm cho nó chung với lễ mừng thọ của bà, cho thêm vui vẻ náo nhiệt.

Mặc dù Từ phu nhân nói là cho thêm vui vẻ náo nhiệt, nhưng tổ mẫu đứa bé kia cũng biết đây chỉ là nhờ phúc dầy của Từ phu nhân, nào dám có ý gì khác? Hoan hoan hỉ hỉ, vội về nhà chuẩn bị chu đáo. Đến trưa nay, lúc toàn bộ tân khách đã ngồi cả ở sảnh đường, đứa bé kia cũng được mẫu thân mặc áo cẩm bào dệt hoa, đặt ngồi lên sạp nhỏ.

Chờ chọn đồ vật xong là có thể khai tiệc.

Chọn đồ vật đoán tương lai là cách gọi đời sau, đời này gọi là bắt đồ, mới đầu chỉ lưu hành ở khu vực Giang Nam, dần dần trở nên thịnh hành ở phương bắc. Tuy tên khác nhau nhưng đều mang ý nghĩa tương tự, trong đó bao hàm mong đợi của trưởng bối đối với hậu bối.

Đứa bé kháu khỉnh bụ bẫm mặc bộ đồ mới tinh, được mẫu thân ôm đến sạp nhỏ, có nhũ mẫu ngồi cạnh. Gần chỗ nó ngồi có đặt vài quyển sách bằng thẻ tre, cung tên, phù ấn, ngoài ra còn có vài viên ngọc, khúc ngà voi, sừng tê giác, một chút thức ăn và đồ chơi thì xếp ở bên ngoài, chỗ nó không với tới. Đứa bé được đặt xuống, nhũ mẫu liền dẫn nó đi xung quanh bắt đồ.

Hôm nay khách khứa tới rất đông, không giàu thì sang, vì tránh không bị thất lễ, người nhà đứa bé kia trước khi đưa nó tới đã cho ăn no, lại dạy nó mấy lần phải bắt sách thẻ tre, cung tên. Lúc ở nhà không sao, nhưng không ngờ lúc đưa nó vào trong phòng, xung quanh đều là người lạ, không biết là đứa bé kia bị kinh sợ hay là ăn no mệt rã rời, cứ ngồi bất động ở đó, nhũ mẫu có trêu chọc thế nào cũng không đi bắt đồ. Mẫu thân đứa bé thấy vậy cũng vội vàng tới làm trò chọc cho nó cười. Nhưng đứa bé cũng không chịu bắt đồ, cứ ngồi im ngơ ngác, không nhúc nhích.

Ban đầu Từ phu nhân có lòng tốt, nghĩ rằng nó với mình cùng một ngày sinh nhật, đúng là duyên phận hiếm thấy, muốn cho đứa bé này một chút vinh quang, không ngờ lại làm cho nó bị hoảng sợ. Ban đầu bà không nghĩ tới điểm này, mà bây giờ tân khách ngồi đầy cả sảnh đường, chờ đứa bé tới bắt đồ mới bắt đầu mở tiệc chúc thọ.

Tình cảnh này hơi lúng túng.

Từ phu nhân thấy mặt mẫu thân đứa bé lo lắng, khách khứa đến dự cũng dần ngừng cười nói, nhìn đứa bé đang ngồi yên trên sạp, trong lòng thấy hơi hối hận, đáng lẽ mình không nên làm như vậy, vốn xuất phát từ ý tốt, thế nhưng lại làm mất mặt người khác.

Thấy mẫu thân nó sốt ruột, đứa bé cũng bị dọa mếu máo sắp khóc, bà liền nhìn sang Chung bà bà bên cạnh, định ra hiệu bà ta tìm cớ ôm đứa bé đi, chợt nghe giọng nói mang theo ý cười phía sau: “Không vật gì lọt vào mắt, trong tâm lại nhìn thấy hết thảy. Ngàn dặm vách núi, không cần mà lại được. Đứa nhỏ này lớn lên nhất định nhìn xa trông rộng, không phải là người tầm thường.”

Từ phu nhân thở phào nhẹ nhõm, quay đầu lại thấy người nói là Tiểu Kiều. Không ngờ nàng có thể kịp thời thay mình giải vây, xử lí vô cùng khéo léo, hóa giải tình thế xấu hổ này.

Lúc đầu khách khứa đều ngẩn ra, sau đó phản ứng lại, rối rít phụ họa gật đầu nói phải, mẫu thân của đứa bé đó cũng nhẹ cả người, vẻ mặt tươi cười, vội vàng bế hài tử đến trước mặt Từ phu nhân, dập đầu chúc thọ.

Từ phu nhân tươi cười, sai Chung bà bà bế đứa bé kia đặt lên đùi mình, thấy nó mập mạp trắng trẻo, chắc vừa nãy hoảng sợ thôi, bà vô cùng yêu thích, ra lệnh bắt đầu mở tiệc, sau đó hướng con mắt duy nhất nhìn về Tiểu Kiều, khẽ gật đầu với nàng.

Mặc dù chỉ là một cái gật đầu, Tiểu Kiều nhìn thấy một tia khen ngợi trong ánh mắt Từ phu nhân, điều này làm nàng thấy an tâm không ít.

Từ lần đầu tiên nhìn thấy tổ mẫu của Ngụy Thiệu, Tiểu Kiều liền cảm giác bà lão minh mẫn này là người bí hiểm.

Nếu như thái độ của bà ta đối với nàng không khác Chu phu nhân hoặc là Ngụy Thiệu thì cũng không nói được gì. Cưới nàng, chỉ vì giá trị của Duyện Châu.

Nhưng Từ phu nhân lại không giống như vậy.

Đương nhiên Tiểu Kiều đã nghe kể về chuyện quản gia trước đây của Từ phu nhân. Không nghi ngờ gì, bà không phải là nữ nhân tầm thường. Bởi vậy, việc bà ta làm chủ để Ngụy Thiệu cưới nữ nhi của kẻ thù càng làm Tiểu Kiều khó hiểu.

Có điều, nàng không nghĩ ra nguyên nhân cũng chả sao, chỉ cần Từ phu nhân đối xử tốt với nàng là được rồi.

Từ phu nhân đối xử với nàng cũng coi như là tốt, nhất là sau khi gặp Ngụy Thiệu và mẫu thân của hắn, thì lão thái thái này giống như Bồ Tát sống hạ phàm, trên đầu mang một vòng thánh quang, Tiểu Kiều cảm thấy thụ sủng nhược kinh.

Nhưng thái độ đó cũng chỉ giới hạn như ứng xử bình thường của trưởng bối đối với vãn bối mà thôi, điểm ấy Tiểu Kiều vẫn biết.

Nhưng vừa nãy, sự tình phảng phất có một chút biến đổi.

Nhờ nàng lanh lẹ tinh tường hóa giải cục diện khó xử này, từ ánh nhìn mang theo một tia khen ngợi của Từ phu nhân, nàng nhận thấy thái độ của bà với mình đã không còn như trước nữa.

Mình có vui hay không?

Dĩ nhiên là không!

Phải nói là nàng rất rất vui mới đúng.

Nói thật, đến bây giờ nàng còn chưa nghĩ đến năm năm, mười năm sau mình sẽ thế nào.

Theo kết quả từ kiếp trước, rất có thể Ngụy Thiệu sẽ ra tay ngoan độc với mình và Kiều gia.

Trước đây Xuân nương đã khuyên nàng nên hầu hạ Ngụy Thiệu cho tốt, nói trắng ra là lấy sắc mê hoặc hắn, mượn việc này để thay đổi số mạng.

Xuân nương quá tự tin về nàng, nhưng nói thật, Tiểu chẳng có chút tự tin nào hết.

Vẻ đẹp của nàng, có lẽ có thể nắm bắt được đa số trái tim nam nhân trên thế gian này, nhưng Ngụy Thiệu lại nằm trong thiểu số.

Hắn hận mình, hoặc đúng hơn là người của Kiều gia.

Nàng không cách nào tưởng tượng nếu mình cởi hết y phục trước mặt hắn, thì hắn sẽ dùng lời nói ác độc đến thế nào để làm nhục nàng. Hành động rất có khả năng tự rước lấy nhục này, dù ngày mai có phải rơi đầu nàng cũng phải cẩn thận suy nghĩ mới quyết định được. Nếu không thể có một đứa con, nàng chỉ có thể nhờ cả vào Từ phu nhân.

Bây giờ nhìn lại, vận khí của nàng không tệ, ngay cả ông trời cũng đang giúp nàng.

Tiểu Kiều không thể không yêu thích đứa bé mập mạp trong lòng Từ phu nhân.

Con đúng là ngôi sao nhỏ may mắn của dì!

Đứa nhỏ mập mạp không bị yêu cầu biểu diễn cho người lớn xem nữa, giống như được thoát khỏi chú định thân, lập tức hoạt bát hẳn lên, mở to đôi mắt tròn vo nhìn đông một chút, nhìn tây một tẹo, đáng yêu vô cùng. Các phu nhân trong thọ đường rối rít sát lại gần, thi nhau khen ngợi, lại tranh nhau bế nó.

“Cháu cũng ôm nó một cái đi.” Từ phu nhân bỗng nhiên cười nói với Tiểu Kiều.

Phong tục xưa nay sau khi thử đoán tương lai cho đứa bé, thì tới ôm nó để cầu tin vui, nhất là những người đang muốn sinh con.

Phụ nhân còn lại đều cười khúc khích, đồng loạt quay lại nhìn Ngụy Thiệu đang đứng ở cửa thọ đường chào khách.

Hình như hắn cũng đang để ý đến động tĩnh bên trong, dáng vẻ có chút mất tập trung, hai mắt thỉnh thoảng liếc về phía Tiểu Kiều.

Đứa nhỏ mập mạp được mẫu thân tự mình ôm đến cho Tiểu Kiều bế.

Tiểu Kiều biết Ngụy Thiệu đang đứng ở cửa, liếc hắn, lại đúng lúc bắt gặp hắn đang nhìn mình.

Tiểu Kiều ngượng ngùng cười, cẩn thận ôm lấy đứa bé, ôm nó thật vững, trêu chọc vài cái.

Đứa bé mập mạp kia cũng rất nể mặt nàng, cười khanh khách, nhổm cả người lên, mọi người xung quanh đều cười to.

“Lão phu nhân, giờ này sang năm lão phu nhân cũng được ôm tôn tử béo mập rồi!”

Một phụ nhân vui vẻ cười nói.

Tiểu Kiều ra bộ thẹn thùng không nói, đưa trả đứa bé, không nhịn được lại liếc Ngụy Thiệu một cái.

Vẻ mặt hắn cứng ngắc, vừa lúc có người bên ngoài gọi, hắn ngập ngừng một chút, xoay người bỏ đi thật nhanh.