Chương 35: canh hai
Chuyển ngữ: Ying
Biên tập: Tặc Gia
Đi từ Từ Châu xuống tới huyện Linh Bích, một đường toàn đất vàng bụi bặm, xa xa từ hướng của huyện thành, có một người trẻ tuổi đang vác đồ đi tới.
Trên đầu nam nhân đội một chiếc đấu lạp[1] giống như kiểu mấy tiều phu trên núi vẫn hay dùng, vành nón được kéo xuống rất thấp chỉ lộ ra nửa mặt, nhưng vẫn có thể lờ mờ trông thấy khuôn mặt anh tuấn đó. Thân hình của hắn rất cao lớn, lưng dài vai rộng, khung xương vừa thô lại vừa to, dù là thế nhưng cơ thể vẫn dẻo dai nhạy bén. Trên vai hắn vác món đồ rất nặng, nhưng bước chân vẫn thoăn thoắt đi nhanh giống như chẳng có gì trên đó. Quần áo dù cũ nhưng vẫn được giặt sạch sẽ, ở chỗ khủy tay bị rách cũng được vá chỉnh tề, đường may tỉ mỉ và ngay ngắn, nhìn là biết trong nhà hắn có một nữ nhân am tường về may vá.
[1] Đấu lạp một loại nón rộng vành làm bằng lá tre có dán giấy dầu để đi mưa.
Nam nhân trẻ tuổi này chính là Bỉ Trệ. Hắn và Đại Kiều sống trong một thôn nhỏ làm nghề săn bắn dưới chân núi. Ban đầu ông cụ Vương có hướng dẫn cho hắn một vài điều, rất nhanh sau đó, hắn đã trở thành một thợ săn lành nghề tài giỏi. Bình thường trong nhà không thiếu thịt, nhưng lương thực và muối ăn vẫn cần đi tới phiên chợ để đổi lấy. Sáng nay mới canh tư hắn đã đi xuống núi, mang theo một ít da thú để dành thời gian trước đổi lấy một bao hạt kê mới mà hắn vác trên vai.
Nếu đổi hạt kê cũ thì có thể được nhiều hơn một hộc[2]. Riêng Bỉ Trệ thì chẳng đáng là gì, nhiều lúc đói quá hắn có thể thản nhiên vò lá cây nhét cho no căng bụng.
[2] hộc: đơn vị đo dung thích thời xưa, bằng mười đấu, sau đổi thành năm đấu
Nhưng bây giờ hắn lại đổi thành một bao hạt kê mới, bởi vì hắn muốn cố gắng để cho Đại Kiều có được bữa ăn khấm khá hơn, dù sao từ trước tới nay nàng đã quen với việc ăn mỹ thực. Dã thú trong núi có săn cũng không hết, bản thân hắn thì lại thừa sức lực. Đối với hắn mà nói, đổi lấy một túi hạt kê mới thì chỉ cần săn nhiều hơn mấy tấm da thú nữa mà thôi.
Mấy ngày trước hắn cũng khá gặp may, săn được một tấm da chồn đẹp, lớp lông bên ngoài hầu như còn nguyên vẹn, màu lông rất bóng mượt và sáng lóa. Vốn hắn muốn giữ lại để dành cho Đại Kiều sử dụng vào mùa đông, nhưng Đại Kiều lại nhất quyết không muốn, cứ nhất định bảo hắn cầm đi bán. Hắn không thể làm gì khác bèn nghe theo lời nàng. Buổi sáng sau khi bán hết chỗ da thú, hắn vẫn còn dư lại một ít tiền, thế là mua thêm cho Đại Kiều mấy thước vải bố[3]
[3] Vải bố là loại vải được dệt từ bông.
Thể nào khi về cũng sẽ bị nàng ấy cằn nhằn mình cho coi. Nhưng mà Bỉ Trệ lại thấy rất cam lòng.
Cách thôn còn hơn hai mươi dặm đường. Hắn thấy mặt trời đã dần ngã về tây, sợ đi về trễ Đại Kiều lại lo lắng, cho nên bước chân cũng càng lúc nhanh hơn. Ngay lúc ấy, hắn gặp phải một tốp quân lính. Có khoảng mười mấy người mặc quần áo đỏ thẫm, bên hông có gắn bội đao, trong tay tên lính đi phía trước còn cầm theo một sợi dây thừng dùng để buộc từng người lại với nhau, cả nhóm người đi về hướng thị trấn. Người đang cưỡi ngựa bước đầu tiên chắc hẳn là binh đầu ở đây. Những người tay bị trói dây trong nhóm đều là nam nhân cả. Ngoại trừ mấy thanh niên cường tráng, trong nhóm còn có cả mấy ông già tóc bạc và trẻ con gầy yếu.
“Quân gia, xin thương xót, xin ngài hãy thả lão hủ ra….Lão hủ cũng quá năm mươi, sao có thể hành quân đánh trận được?”
Một ông lão bị ngọn giáo đâm vào phía sau lưng, ép ông đi tiếp về phía trước, ông lão không bước đi nổi nữa mới quay đầu lại đau khổ cầu xin, tên lính lại nói: “Trong danh sách nhà ngươi có tận ba nhi tử cơ mà, hôm nay đến bóng dáng một người cũng không có, mấy nhi tử nhà ông chạy hết rồi chứ gì, nhi tử mà trốn thì lão già như ông phải đi thay cho con, đây là chuyện đương nhiên!”
Ông lão vẫn khóc lóc nỉ non: “Quân gia không biết đó thôi, đúng là lão hủ có ba nhi tử thật, nhưng trưởng tử đã chết bảy năm trước trong trận Tiết sứ quân chinh phạt Thanh Châu, đứa thứ cũng chết trận vào năm Định Khang thứ ba rồi, năm ngoái còn đứa út cũng bị bệnh rồi chết, Đình trưởng có thể làm chứng cho lão hủ. Lão hủ có đi cũng chẳng sao, nhưng trong nhà còn một bà tử đang đau ốm liệt giường….”
Tên lính mất kiên nhẫn, đánh lão đầu một roi: “Bảo ngươi nhập ngũ thì ngươi nhập ngũ đi, ở nhà làm gì cho chết đói, đi nhập ngũ còn được phát cơm ăn! Đừng có lải nhải dong dài nữa!” Lão đầu bị đánh một cái rõ đau, không dám nói tiếp nữa, ông đưa tay lau lau nước mắt, bước chân lảo đảo cố gắng đi về phía trước.
Bỉ Trệ biết, là Tiết Thái thứ sử Từ Châu lại đang ép dân đi lính. Lúc nãy đi qua phiên chợ trên thị trấn, khi đi ngang hắn có nghe mọi người bàn tán về chuyện này.
Liếc mắt nhìn qua từ vành nón, hắn thấy ông lão tóc bạc trắng đang khóc lóc thương tâm, mấy ông lão phía sau bị trói nối tiếp vào nhau, áo quần lam lũ, ánh mắt bọn trẻ thì mờ mịt… cuối cùng hắn đành dời mắt đi.
Tiết Thái ở Từ Châu là một trong những người có thế lực quân đội hùng hậu nhất bên lưu vực sông Hoài[4], hàng năm đều dùng binh. Đi đánh giặc thì phải có chết người, mà chết nhiều thì binh lính tiêu hao, cho nên họ vẫn phải chiêu binh liên tiếp, lâu dần đến những nam nhân khỏe mạnh cũng không còn, đến thời điểm này đây, ngay cả ông già trẻ nhỏ họ cũng không tha được.
Bỉ Trệ rất đồng cảm với những người bị ép phải nhập ngũ, nhưng những chuyện thế này không phải là chuyện hắn có thể quan tâm.
[4] Sông Hoài bắt nguồn từ Hà Nam, chảy qua An Huy và Giang Tô, Trung Quốc.
Đại Kiều vẫn còn đang ở nhà chờ hắn trở về. Hắn đè vành nón xuống thấp hơn, bước chân cũng nhanh hơn về trước. Khi đi ngang qua tên binh đầu dẫn đoàn, không ngờ tên đó lại chú ý tới hắn, một thanh trường kích[5] liệng sang ngang chắn ở ngay trước ngực.
[5] Trường kích là một loại vũ khí thời xưa, gần tương tự với trường mâu (Giáo).
“Ngươi là người phương nào?”
“Thợ săn.”
“Ngẩng đầu lên cho ta nhìn.”
Bỉ Trệ chậm rãi ngẩng đầu lên. Tên binh đầu nọ nhìn thấy con mắt hắn màu xanh thì có vẻ giật mình.
Hắn dùng mũi kích đâm vào cái túi Bỉ Trệ còn đang vác trên vai: “Bên trong là vật gì?”
“Hạt kê.”
Thế nhưng vừa nói xong cái túi đã bị đâm thủng lỗ, từng hạt kê vàng óng đổ hết ra bên ngoài, rơi vãi đầy trên đất.
Tên sĩ quan đánh giá Bỉ Trệ một lượt từ trên xuống: “Đi nhập ngũ cho ta!”
Bỉ Trệ bất động: “Xin quân gia bỏ qua cho ta. Ta không phải là hộ dân vùng này, cho nên không phải nghe theo lệnh triệu tập nhập ngũ.”
Binh đầu nọ mỉm cười: “Ngươi cũng biết ít ngày nữa sứ quân sẽ khởi binh tiến đánh Duyện Châu? Ta vốn quý nhân tài mới có ý muốn mời ngươi gia ngũ. Duyện Châu có rất nhiều sản vật phong phú, một khi đánh thắng rồi, cho dù là tiền tài hay nữ tử, ngươi muốn có thứ gì cũng dễ dàng như chỉ lật bàn tay. Ngươi không muốn thật sao?”
Con mắt Bỉ Trệ hơi lóe sáng, đẩy cán trường kích đang chắn trước ngực mình: “Xin quân gia tha cho. Ta còn có việc, xin phép đi về trước.”
Hắn nắm chặt miệng bao hạt bị vỡ, vượt qua tên binh đầu vẫn ngồi trên lưng ngựa, tiếp tục đi về phía trước. Tên binh đầu thấy Bỉ Trệ cứ thế lướt ngang qua mặt mình mà không thèm để ý tới đề nghị của hắn, hắn tức tối cầm trường kích đâm thẳng vào sau lưng của Bỉ Trệ. Bỉ Trệ cũng quay đầu lại ngay, một tay đưa lên chụp được cán dài của cây trường kích rồi kéo mạnh một cái, tên binh đầu ngã thẳng từ trên lưng ngựa xuống, cả người ngã chổng vó lê lết trên nền đất, đang yên đang lành lại bị ngã thế này, hắn thẹn quá hóa giận hét lên ra lệnh cho đám binh lính vây tới bắt Bỉ Trệ. Nghe vậy mười mấy tên lính cùng đồng loạt xông tới, bao vây xung quanh Bỉ Trệ rồi cùng lúc xông lên.
Bỉ Trệ cũng biết chuyện hôm nay khó mà giải quyết êm xuôi được, hắn bỏ túi lương thực trên vai xuống, cầm lấy cây trường kích của tên binh đầu nọ, nhanh như chớp lướt về phía đám lính đang vây xung quanh mình. Một trận đánh ác liệt diễn ra. Chỉ với sức lực của một mình Bỉ Trệ đã đánh cho toàn bộ mười mấy tên lính nằm lăn lộn dưới đất mà gào khóc. Tên binh đầu cũng không ngờ Bỉ Trệ mạnh mẽ chẳng khác nào mãnh thú, trong lòng hắn bắt đầu thấy sợ hãi, nhìn Bỉ Trệ trừng mắt cầm trường kích đi thẳng về phía mình, trông như thể muốn đâm chết hắn luôn, tên binh đầu hoảng sợ vội vàng đứng dậy leo lên lưng ngựa chạy trối chết. Mấy tên lính nhìn thấy binh đầu của mình đã chạy thoát trước tiên, họ cũng đâu dám ở lại mà chuốc khổ một mình, thế là cũng thục mạng trốn đi, đảo mắt một cái đã không còn bóng dáng tên lính nào ở đó, trên mặt đất vương vãi mấy thanh đao nằm ngổn ngang lộn xộn mà bọn họ không kịp nhặt theo cùng.
Đúng là một hồi gay cấn, nhóm người bị trói đứng xem đến ngây người, thấy nguyên một đám lính cứ thế chạy tứ tung, lúc này họ mới hoàn hồn quỳ xuống dập đầu với Bỉ Trệ rồi rối rít cảm ơn, họ gọi hắn là ân công tráng sĩ, cầu xin được gỡ dây thừng giúp.
Bỉ Trệ nhặt một cây đao nằm trên mặt đất lên, đi tới cắt đứt dây thừng cho mọi người. Sau khi được thả ra, mọi người đều cảm tạ với hắn rồi nhanh chóng tản đi.
Bỉ Trệ đi tới chỗ túi kê, cởi áo khoác ra bọc lại chỗ túi bị đâm thủng, một lần nữa vác bao nặng lên vai, nhanh chóng rời đi.
Lúc hắn trở lại thôn sắc trời cũng tối dần, trong núi trăm chim quay về tổ, người nào người nấy vội vã đi về nhà. Đại Kiều ở nhà đã làm xong cơm tối, nàng ra đứng trước hàng rào nhìn ra ngoài mong ngóng phu quân quay trở về, từ phía xa vừa thấy bóng hắn lấp ló ở trên đường, nàng đã vội vàng ra ngoài đón. Hai người về nhà quây quần dưới ánh nến cùng nhau ăn bữa cơm đơn giản, Bỉ Trệ còn kể lại cho nàng nghe mấy chuyện hắn vừa nghe ngóng được trong thành, chẳng qua hắn không hề nhắc tới điều bất trắc gặp phải trên đường về, sau một hồi nói chuyện, cuối cùng hắn cũng lấy mấy thước vải bố ra đưa cho Đại Kiều.
Trong lòng Đại Kiều rất vui vẻ, nhưng quả nhiên ngoài miệng vẫn trách hắn lại xài tiền lung tung, Bỉ Trệ chỉ cười cười mặc cho nàng dạy dỗ. Rốt cuộc Đại Kiều vẫn nhận lấy, nàng cũng lấy ra một đôi giày mới may. Nàng nói chân của hắn lớn quá, mỗi ngày lại phải đi bộ leo núi suốt, đôi giày lúc đầu nàng làm cho hắn cũng đã bị rách rồi, cho nên làm thêm một đôi mới để thay.
Mây mù che trăng sáng, xuân trùng cô nông[6] Hai người vẫn còn trẻ, lại mới vừa ở bên cạnh không lâu, khó tránh khỏi chuyện tình nồng ý mật, mỗi khi trời tối lại gần nhau quấn quít. Tối nay sau khi thân mật lưu luyến xong. Đại Kiều nhắm mắt tựa vào lòng Bỉ Trệ, rồi hỏi: “Phu quân, chàng có tâm sự gì giấu thiếp có phải không? Thiếp thấy từ lúc ở trên huyện về nhà, chàng ít nói hơn hẳn ngày thường”.
[6] Xuân trùng cô nông: sâu bọ mùa xuân lúc nhúc, xuân còn có nghĩa là tình yêu ái tình, lạc thú, ý trong câu sử dụng theo nghĩa bóng: ái tình sục sôi…
Bình thường Bỉ Trệ cũng khá là ít nói, hàng ngày chẳng nói được mấy câu, tối nay lại kiệm lời hơn nữa.
Bỉ Trệ chần chừ một lúc rồi nói: “Hôm nay trên đường về, lúc đi ngang nghe mọi người bàn tán, họ nói hinh như Tiết Thái thứ sử Từ Châu muốn đưa quân tiến đánh Duyện Châu.”
Đại Kiều bỗng nhiên ngồi bật dây, lắp bắp hỏi: “Hồi thiếp còn ở nhà, thiếp chưa từng nghe nói trong nhà có ân oán gì với Tiết Thái, tại sao đột nhiên Tiết Thái lại muốn tấn công Duyện Châu chứ? Liệu có khi nào chàng nghe nhầm hay không?”
Bỉ Trệ kể sơ qua chuyện tập kích trên đường. Vừa nghe xong Đại Kiều càng choáng váng hoang mang: “Phụ thân thiếp bên đó không biết đã xảy ra chuyện gì, không biết ông đã chuẩn bị gì chưa, bây giờ phải làm thế nào đây?”
Bỉ Trệ nói: “Nàng đừng hoảng hốt. Nói không chừng tên binh đầu đó chỉ thuận miệng nói như vậy mà thôi. Ngày mai ta lại đi huyện thành thêm một chuyến, hỏi thăm chuyện này cho rõ ràng. Nếu sự thật đúng là vậy, ta sẽ nhanh chóng đi tới Duyện Châu để báo tin, lúc đó sử quân ắt hẳn sẽ đề phòng.”
Lúc này Đại Kiều mới lấy lại bình tĩnh. Bỉ Trệ an ủi nàng hồi lâu. Sau một đêm chờ đến lúc hừng đông. Mới sáng sớm ngày hôm sau Bỉ Trệ đã đi vào trong thành. Lúc trời tối sau khi trở về nhà, hắn kể lại cho Đại Kiều nghe hết, buổi sáng sau khi đi tới nơi hắn đã bắt được một tên lính, tra hỏi một hồi mới biết được, tin tức nghe được là hoàn toàn chính xác.
Đúng là Tiết Thái đang chuẩn bị lương thảo và binh mã, dẫn một trăm ngàn binh lính đánh chiếm Duyện Châu. Hôm nay lương thảo đã chuẩn bị xong xuôi, chỉ trong vài ngày tới đại quân sẽ xuất phát.
…..
Ngày mười hai tháng này, phố phường Đông Quận vẫn bình thường như thế, nơi nơi đều rộn ràng tấp nập, cảnh sắc an lành. Nhưng trong phòng lớn của phủ thứ sử, bầu không khí lại vô cùng trầm lắng. Kiều Việt, Kiều Bình cùng một nhóm mưu sĩ thần tướng vừa mới nghe được tin tức như sấm giữa trời quang. Mấy ngày trước, có một người giấu tên đến báo tin ở nha môn, nói Tiết Thái ở Từ Châu đang dẫn theo mười vạn binh mã tiến về hướng Duyện Châu, mỗi ngày đi được năm mươi dặm, chỉ trong vòng nửa tháng sẽ tới nơi.
Mới đầu Kiều Việt còn không có tin. Từ trước tới nay, quan hệ giữa Kiều gia và Tiết Thái như nước sông không xâm phạm nước giếng, hai bên cũng chưa bao giờ có xung đột gì nhau. Mặc dù Tiết Thái là kẻ có dã tâm, tiếng tăm cũng không có tốt đẹp gì, nhưng mục tiêu hắn muốn vẫn luôn nằm trong khu vực của sông Hoài, không biết vì sao đột nhiên Tiết Thái lại dẫn theo mười vạn đại quân đến tiến đánh Duyện Châu? Kiều Việt vừa hay tin đã vội vàng phái thám tử kiểm tra. Sáng hôm nay, Lưu Tinh cưỡi ngựa đi tới báo, tin tức nhận được là chính xác. Tiết Thái và đại quân đã đi tới Đằng Địa, chỉ khoảng mười ngày nữa sẽ tiến gần Duyện Châu.
Kiều Việt nghe được tin này bỗng nhiên cảm thấy hoang mang, vội vàng triệu tập mọi người cùng bàn bạc đối sách, nghị luận hồi lâu vẫn chưa được cách gì, bản thân Kiều Việt càng không biết làm sao.
Trương Phổ nói: “Chúa công đừng quá hoảng. Thần có một kế này chắc có thể hóa giải khó khăn của chúng ta.” Kiều Việt vội hỏi han cặn kẽ.
“Bình thường Tiết Thái có danh là kẻ ác, binh hùng tướng mạnh, khí thế ngất trời, Duyện Châu chúng ta không thể cứng rắn đối địch được. Bây giờ ta phải nhanh chóng phái người đưa tin tới chỗ Yên Hầu. Hai nhà Ngụy Kiều kết thông gia, nếu Ngụy Thiệu không ra tay cứu giúp thì đúng là bội bạc, người trong thiên hạ cũng sẽ khinh bỉ hắn.”
Kiều Việt được nhắc mới nhớ ra, vội vàng ra lệnh cho chủ bộ viết thư, dán dấu niêm phong rồi thúc ngựa ngày đêm thần tốc đưa tới tay Ngụy Thiệu.
Vì sao Tiết Thái ở Từ Châu lại bất ngờ muốn đưa quân tiến đánh Duyện Châu, Kiều Bình suy nghĩ mãi không thông. Ông cũng không muốn mở miệng cầu xin Ngụy Thiệu một chút nào. Lần trước bởi vì Nhậm Thành Chu Quần tới đánh chiếm, ông đã bất đắc dĩ phải gả nữ nhi mà mình yêu quý nhất. Lúc này Tiết Thái đánh tới đây, Kiều gia lại phái người tới báo tin nhờ Ngụy Thiệu giúp đỡ. Nếu như Ngụy Thiệu yêu nữ nhi của mình thì không sao, chẳng qua chỉ là góp chút sức mọn vì Kiều gia cũng chẳng quá đáng gì, gia chủ Kiều gia mất mặt cũng không sao. Nhưng nếu như Ngụy Thiệu không thích nữ nhi của mình thì sao đây, Kiều gia nhiều lần xin giúp đỡ, chỉ sợ hắn sẽ càng xem thường Tiểu Kiều hơn mà thôi, địa vị của nữ nhi nhà mình ở Kiều gia lại càng thêm hèn hạ. Nhưng mà huynh trưởng của ông quá nhu nhược, bản thân ông một cây thì làm chẳng nên non, mười vạn đại quân đang ngày một lại gần, Duyện Châu gặp nguy hiểm chỉ là chuyện trong một sớm một chiều mà thôi, Kiều Bình cứ rầu rĩ mà về, nhưng lại không thấy nhi tử Kiều Từ ở đâu cả, lúc này ông mới biết thì ra nhi tử lo lắng cho tỷ tỷ sinh đôi của mình, nó gạt ông một mình cưỡi ngựa theo sứ giả cùng chạy tới U Châu, ông càng thêm kinh hãi, vội vàng cho người đuổi theo ngay, nhưng Kiều Từ ra khỏi thành từ sớm, sao có thể kêu trở về cho được?
…..
Hôm ấy, Ngụy Thiệu kết thúc việc tuần tra ngoài thành, cuối cùng hắn cũng từ Mã Ấp trở về Ngư Dương
Chuyến đi lần này của hắn gần nửa tháng. trong tiếng vó ngựa lọc cọc vang, hắn đi qua cổng thành phía Bắc của Ngư Dương, trở lại tòa thành trì quen thuộc.
Tâm trạng của hắn khá thoải mái. Sau khi giải tán nhóm tùy tùng đi theo, hắn không trở lại nha môn mà trực tiếp đi về phủ, dạo quanh Tây phòng không thấy Tiểu Kiều đâu, Xuân Nương cũng không thấy bóng dáng, hỏi một bà vú già mới biết nữ quân đã đồng ý lời mời đi tới đại điện[7] của Vương Mẫu ở Thành Đông, chỗ đó có một bức họa của Vương Mẫu muốn đề chữ.
[7] Đại điện nơi thờ Thần Phật chính trong đền miếu
Thời buổi này Đạo Phật rất hưng thịnh, nhưng trong dân gian ngoài tin Phật ra cũng có rất nhiều người tin theo Đạo Giáo. Vương Mẫu nương nương là nữ tiên đứng đầu, luôn che chở mưa thuận gió hòa cho dân chúng. Dân chúng địa phương đã được sống trong yên ổn nhiều năm, phú hộ đông đảo, vì vậy nhiều người dân cùng góp vốn tu sửa điện thờ. Mặc dù Từ phu nhân bái Phật, nhưng nghe tin này bà cũng hào phóng ra tay cùng quyên góp. Thời gian trước đại điện mới hoàn thành, trong đại điện được tu sửa khang trang. Phía trước còn để dành một bức tường để vẽ tượng thần Vương Mẫu nương nương. Người vẽ tranh chính là “Bột Hải mũ miện” Cao Hằng đã đến chúc thọ Từ phu nhân lần trước. Cao Hằng là người thích vẽ tranh, hắn cũng có ý muốn để lại nét vẽ của mình ở thành Ngư Dương này, cho nên mới vui vẻ nhận lời. Hôm nay bức tranh sắp hoàn thành, cần được đề lời tựa, hắn bỗng nghĩ đến nữ quân của Ngụy phủ cũng là một người nét chữ tuyệt vời, nếu có thể đến cùng nhau đề chữ trên bức họa Vương Mẫu, một người vẽ một người đề chữ có thể nói là dung hòa cho nhau, dệt hoa trên gấm. Hắn cũng là người rất khéo tay, nghĩ tới là làm. Hai ngày trước đến phủ thăm viếng Từ phu nhân. sau khi Từ phu nhân biết được mục đích hắn tới đây lần này cũng một lời đồng ý. Nếu Từ phu nhân đã gật đầu như thế, Tiểu Kiều cũng không có lý gì mà từ chối, hai ngày này nàng đều đi qua đó, hôm nay đi qua tới giờ này vẫn còn chưa quay lại.
Ngụy Thiệu hơi thất vọng. Trong lòng cũng cảm thấy không vui, nhưng trên mặt lại chẳng biểu lộ gì.
Chuyến đi này hắn ra ngoài nửa tháng, mỗi ngày đều không ngừng vó ngựa, kiểm tra liên tục khắp các thành, hôm nay trở lại cả người đều phong trần mệt mỏi, sau khi rửa mặt sửa sang lại đầu tóc xong xuôi, hắn đổi xiêm y rồi đi sang Bắc phòng vẫn an tổ mẩu Từ phu nhân.
Từ phu nhân vừa nhìn thấy hắn về đã vui mừng hết sức, bảo hắn đến bên cạnh ngồi xuống cùng trò chuyện. Ngụy Thiệu đến bên ngồi cùng bà hàn huyên một hai câu, nhưng thật ra hắn cũng không nói nhiều. Chỉ thỉnh thoảng phụ họa Từ phu nhân vài tiếng.
Sau hồi lâu Từ phu nhân có nhắc tới Chu thị, mới hai ngày trước, bà đã cho phép mẫu thân của cháu ra khỏi từ đường về phủ rồi. Bà ngừng một chút rồi nói tiếp: “Trọng Lân à, mẫu thân của cháu vốn là chủ mẫu của Ngụy gia. Bình thường thì thôi đi, bà cũng nể mặt cháu nên không làm đến vậy. Chỉ là lần này mẫu thân cháu đã quá đáng lắm rồi. Nếu lần này không dạy dỗ chu toàn, chỉ sợ sau này lại tái phạm làm chuyện hồ đồ hơn”.
Mặc dù đã qua không ít ngày, nhưng mỗi khi Từ phu nhân nhắc tới, trong giọng nói của bà vẫn nghe được vẻ tức giận rõ ràng.
Ngụy Thiệu phụ họa thêm.
Từ phu nhân tránh ánh mắt của hắn, bà suy nghĩ một chút rồi mỉm cười nhè nhẹ: “Trong lúc cháu đi có người muốn mượn phu nhân của cháu làm chút việc, hai ngày trước tổ mẫu đã đồng ý để nàng đi. Hôm nay cũng không còn sớm nữa, nếu cháu dâu chưa về thì cháu đi đón nàng về đi. Đừng ngồi đây tốn hơi thừa lời với bà lão như ta.”
Ngụy Thiệu cẩn thận đáp: “Tôn nhi sẽ đi xem tình hình thế nào rồi, nếu không có chuyện gì cháu sẽ nghe theo lời dặn của tổ mẫu.”
Từ phu nhân gật gật đầu, thục giục hắn đi luôn. Thấy vậy Ngụy Thiệu mới đứng dậy khom lưng vái tạ tổ mẫu, đi ra khỏi phòng.
Hắn rời khỏi Bắc phòng, bước chân cũng càng lúc càng nhanh. Cho đến khi tới chỗ rẽ Đông phòng, hắn dừng lại xoay người qua nhìn tới, chần chừ một lúc rồi bước thẳng, cuối cùng vẫn đi ra cửa lớn, sai người chuẩn bị ngựa muốn đi tới Thành Đông.